Sự cố đứt cáp IA (Liên Á) khiến 4/5 tuyến cáp quang biển quan trọng của Việt Nam gặp gián đoạn, ảnh hưởng việc truy cập Internet quốc tế.
Theo một nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) tại Việt Nam, tuyến cáp quang biển IA (Intra Asia – Liên Á) gặp sự cố từ ngày 28/1. Nguyên nhân do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore khoảng 130 km.
Sự cố làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore qua IA, khiến tốc độ truy cập các website nước ngoài bị ảnh hưởng.
Hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 4 tuyến cáp quang biển gặp trục trặc. Điều đó đồng nghĩa phần lớn lưu lượng Internet đi nước ngoài không thể sử dụng.
Tuyến cáp Asia Pacific Gateway (APG) gặp sự cố từ cuối tháng 12/2022, trên phân đoạn S6 gần Hong Kong (Trung Quốc). Tuyến cáp này đã 4 lần gặp lỗi trong năm 2022. Đến 21/1, phân đoạn S9 hướng đi Singapore của APG bị lỗi.
Những tuyến cáp khác cũng gặp sự cố, chưa thể khắc phục là Asia America Gateway (AAG) và Asia – Africa – Euro 1 (AAE-1). Tuyến AAG gặp trục trặc trên nhánh S1B, S1D tại hướng kết nối Singapore và nhánh S1H, S1I tại hướng đi Hong Kong. Hiện tại, chỉ có sự cố trên nhánh S1H được sửa xong.
Tuyến cáp AAE-1 gặp lỗi dò nguồn (shunt fault) từ tháng 11/2022 trên phân đoạn S1H.1 hướng Hong Kong và S1H.3 hướng Singapore. Trong khi sự cố trên nhánh S1H.3 đã được sửa vào ngày 13/1, lỗi trên nhánh S1H.1 đi Hong Kong chưa được khắc phục.
IA, APG, AAG và AAE-1 là 4 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Tuyến cáp còn lại là SMW3 (SEA – ME – WE3).
Việc bốn trên năm tuyến cáp đồng thời gặp sự cố khiến việc truy cập Internet đi quốc tế của người dùng Việt chịu ảnh hưởng nặng.
Phương Thanh, ở Cầu Giấy (Hà Nội), nói cô bắt đầu cảm nhận Internet chập chờn từ ngày 29/1 khi thấy ứng dụng xem phim trên TV hạ xuống độ phân giải thấp nhất. “Tôi định xem nốt bộ phim để kết thúc kỳ nghỉ Tết, nhưng hình ảnh mờ nhòe, chập chờn, rất khó chịu”, Thanh cho hay.
Thành Trung, một người kinh doanh online tại TP HCM, cũng cho biết anh gặp sự cố với đường truyền Internet ngay khi mở cửa hàng sáng 30/1. “Tôi dự định khai xuân với hơn chục đơn hàng chờ xử lý, nhưng gần một tiếng không thể truy cập trang quản lý, đồng nghĩa đơn hàng bị treo, trong khi khách đang chờ”, anh nói, cho biết chưa bao giờ Internet trên máy tính của anh chậm đến vậy. Khi chuyển sang mạng di động, tình trạng cải thiện, nhưng vẫn chậm hơn khá nhiều so với trước.
Đại diện nhà mạng VNPT xác nhận, với việc sự cố xảy ra trên cả bốn hệ thống cáp biển, việc truy cập Internet quốc tế của người dùng sẽ bị “ảnh hưởng ít nhiều”, đặc biệt trong giờ cao điểm và ở những hoạt động đòi hỏi băng thông Internet tốc độ cao như chơi game trực tuyến, xem phim. “Đây là sự cố bất khả kháng và gây ảnh hưởng đến tất cả các nhà cung cấp Internet của Việt Nam”, VNPT thông tin chiều 30/1.
Các nhà mạng khẳng định đang làm việc với các đơn vị quản lý cáp quang biển quốc tế để nhanh chóng xử lý sự cố, đồng thời thực hiện một số biện pháp ứng cứu như chia sẻ tải giữa các link quốc tế, chủ động phối hợp với các dịch vụ Internet như Facebook, TikTok, YouTube… để tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, mở ứng cứu bằng cách bổ sung tài nguyên cáp trên đất liền.
Bài viết liên quan
Nên dùng gói cước Internet VNPT nào cho gia đình?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và đề xuất một [...]
Sẵn sàng để trải nghiệm không gian số tiện ích với dịch vụ lắp mạng VNPT tại Quận Cầu Giấy
Giới thiệu Trong thời đại công nghệ hiện đại, Internet đã trở thành một phần [...]
Lắp Đặt Wi-Fi VNPT Quận Ba Đình: Gói Cước Đa Dạng, Ưu Đãi Hấp Dẫn Và Dịch Vụ Tận Tâm
VNPT cung cấp dịch vụ lắp đặt Wi-Fi tại Quận Ba Đình với gói cước [...]
5 lý do nên đăng ký sử dụng dịch vụ Internet của VNPT
Internet đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Việc lựa chọn [...]
Lắp mạng VNPT hết bao nhiêu tiền? Cước phí, các quyền lợi, thủ tục mới nhất 2023
Bài viết cung cấp thông tin đầy đủ và chi tiết về chi phí lắp [...]
Hướng dẫn cài đặt mạng Wifi Mesh 5 VNPT: Chi tiết từng bước
Wifi Mesh là giải pháp mạng không dây hiện đại, giúp mở rộng vùng phủ [...]